Nguyên Bình là một trong các địa phương của tỉnh Cao Bằng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn lưu bão số 3. Hàng chục hộ gia đình có nhà bị hư hỏng hoàn toàn; 255 hộ phải di dời khẩn cấp do nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở... Gần 1 tháng qua, các hộ dân đã phải di dời đến ở tạm nhà người thân hoặc làm lán bạt ra bìa rừng ở tạm. Mong muốn lớn nhất của người dân là sớm có được căn nhà mới để ổn định cuộc sống.
Tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc (huyện Nguyên Bình), nơi xảy ra vụ sạt lở rạng sáng 9/9 vùi lấp 6 căn nhà khiến 11 người chết và hơn 20 hộ phải di dời khẩn cấp, dù thời tiết có ổn định nhưng không ai dám quay lại nhà cũ vì sợ đất đá lại đổ ập đến bất cứ lúc nào. Ông Triệu Tạ Kiêm (xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc) cho biết phần lớn các gia đình thuộc diện hộ nghèo, tích cóp dành dụm cả đời mới dựng được căn nhà, giờ nằm trong vùng sạt lở khiến họ trở nên tay trắng. Việc tìm một vị trí an toàn để dựng nhà cũng rất khó do cả bản đều là địa hình đồi núi dốc.
“Nền nhà cũ đã sạt lở nên chúng tôi chỉ mong đến nơi an toàn. Chúng tôi mong chính quyền giúp tìm nền nhà hoặc hỗ trợ kinh phí để san nền. Vừa rồi, tôi được hỗ trợ 1 suất 70 triệu, nhưng thực tế chỗ tôi định san nền thì cũng phải hơn 100 triệu thì mới đủ thuê máy móc về làm, xong nền thì không thể đủ tiền xây nhà nữa”, ông Triệu Tạ Kiêm chia sẻ.
Nhằm sớm gỡ khó cho người dân, UBND huyện Nguyên Bình đã lập danh mục 6 dự án bố trí dân cư tập trung cho 124 hộ dân tại các xã Ca Thành, Vũ Nông, Thể Dục và Quang Thành (tổng kinh phí dự kiến hơn 94 tỉ đồng) để trình tỉnh Cao Bằng xem xét bố trí nguồn vốn. Ngoài ra, địa phương cũng dự kiến bố trí định cư theo hình thức xen ghép cho khoảng 190 hộ trong vùng nguy cơ sạt lở.
Để giải quyết những vấn đề trước mắt nhằm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, ngoài các điểm sạt lở khiến 20 người chết tại Lũng Súng, Lũng Lỳ đang được bố trí xây dựng nhà mới, UBND tỉnh Cao Bằng đã chấp thuận chủ trương xây dựng khu tái định cư cho 25 hộ dân xóm Quang Thượng, xã Quang Thành trong vùng nguy cơ sạt lở cao trên đất nông nghiệp, không có rừng nhưng có chồng lấn với quy hoạch vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén. Đồng thời, yêu cầu huyện hoàn thành xây dựng nhà ở cho gia đình có người thiệt mạng và có nhà bị sập đổ hoàn toàn trước ngày 31/10/2024.
Ông Dương Hiển Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Hiện nay chúng tôi xây dựng các nhà bạt dã chiến, đảm bảo bà con có chỗ trú an toàn. Về lâu dài chúng tôi tìm đất xây dựng các vị trí tái định cư, chúng tôi họp lấy ý kiến nhân dân về các vị trí để có sự thống nhất và có sự đồng tình ủng hộ của người dân. Ưu tiên của chúng tôi đầu tiên là sự an toàn, đảm bảo gần các khu canh tác của bà con, có nguồn nước sạch và cấp điện lưới quốc gia cho người dân”.
Hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề tới tỉnh Cao Bằng với 55 người thiệt mạng, gần 2.000 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có tới 72 nhà bị sập hổ, hư hỏng hoàn toàn; 184 nhà hỏng từ 30-70% và gần 900 hộ gia đình phải di dời do nguy cơ sạt lở. Để kịp thời ổn định đời sống người dân, ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực xã hội hóa, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng có Quyết định về việc hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3. Theo đó, với nhà hư hỏng hoàn toàn (từ 70% trở lên) sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà, nhà phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở là 60 triệu đồng/nhà, nhà hư hỏng từ 50-70% được hỗ trợ 35 triệu đồng/nhà và hư hỏng từ 30-50% là 25 triệu đồng/nhà... Tổng kinh phí hỗ trợ lên tới gần 64 tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết đã yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, lên phương án hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn, không để người dân quay trở lại sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao về sạt lở: “Hiện ở 2 điểm Lũng Súng, Lũng Lỳ chúng tôi đã khởi công xây nhà cho các gia đình bị mất nhà trên cơ sở tham vấn ý kiến, nguyện vọng người dân, các đơn vị thi công cố gắng xong trong tháng 10 này. Về lâu dài sẽ tiếp tục bố trí các hộ có nguy cơ sạt lở đến những nơi an toàn, phù hợp để còn có đất canh tác, phù hợp tập quán để sinh sống sau này. Trước mắt sẽ huy động mọi nguồn lực, từ dự phòng của tỉnh đến trung ương, nhà hảo tâm hỗ trợ để đảm bảo đời sống nhân dân. Tỉnh đang chỉ đạo các ngành đánh giá cụ thể các khu vực nguy cơ, sau đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân di dời đến những nơi an toàn hơn”.
Với một số khu vực có địa hình chủ yếu đồi núi dốc, việc tìm mặt bằng khó khăn, chính quyền các địa phương đã vận động các hộ có đất an toàn tiến hành đổi đất canh tác hoặc chuyển nhượng lại cho các hộ buộc phải di dời. Chính quyền sẽ hỗ trợ các thủ tục chuyển đổi cần thiết và bố trí lực lượng hỗ trợ người dân san nền, vận chuyển vật liệu, xây dựng nhà cửa. UBND tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu sở Tài chính phối hợp các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất có thêm các chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.