Cảnh báo trào lưu “đen” trên mạng xã hội

Minh Thùy - Trúc Thủy/VOV-Giao thông | 02/11/2024, 19:44

VOVLIVE - Trend” hay còn gọi là “trào lưu” ngày càng phổ biến trên mạng xã hội. Điều đáng nói, thay vì những trào lưu mang giá trị bổ ích thì những trào lưu càng độc lạ, quái dị, phản cảm càng thu hút đông đảo giới trẻ tham gia.

Nếu không tỉnh táo có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, lối sống, thậm chí là nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tham gia. 

“Chúng ta thấy có những trend như ngủ xuyên lễ, du lịch với người lạ, ăn uống cực đoan và mới nhất là bắt pen chèn vào cổ trên mạng tiktok lan truyền rất nhanh”.

“Bé nhà tôi hay xem clip trên mạng rồi bắt đầu làm theo một số thử thách đơn giản như thử thách nhịn cười, thử thách ăn nhanh, ăn nhiều. Nhiều khi còn nói theo ngôn ngữ nhảm nhí trên đó cho là lạ, là vui tai”.

Từ những thử thách ăn uống cực đoan như trà sữa trứng bách thảo đến các hành động quái dị, ngông cuồng, nguy hiểm, phản cảm như chụp ảnh check in trước camera giám sát, quay clip nhảy múa tập yoga dưới lòng đường, tiêu tiền hàng triệu đồng để săn túi mù, trò chơi bắt pen đầy mạo hiểm; nhiều người không ngần ngại thực hiện chỉ để thu hút sự chú ý, câu view, sống ảo, tăng tương tác trên mạng.

Nhận định về sở thích “đu trend” của các bạn trẻ, giảng viên Nguyễn Nữ Thùy Linh - Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) chia sẻ: “Đối với những bạn đu trend chia làm hai nhóm khác nhau. Một nhóm là bất chấp để có được những clip trending nhất vì cảm thấy mình phù hợp với trend đó. Còn một nhóm là các bạn dễ dàng bị xu hướng thao túng, luôn có cảm giác thúc đẩy là mình phải hòa theo xu hướng, đu trend vì có cảm giác mình sẽ bị tụt hậu lại phía sau nếu mình không hòa theo xu hướng của các bạn khác”.

Thế nhưng, đằng sau trào lưu với vài triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận, nếu không hiểu đúng bản chất, xác định rõ đúng sai dễ tạo cái nhìn lệch lạc, gây tốn thời gian, tiền bạc, rủi ro về sức khỏe; thậm chí gây sốt gần đây là trò bắt “pen” có thể gây nguy hại đến tính mạng của người tham gia.

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện đột quỵ S.I.S Cần Thơ cho biết: “Thật ra trào lưu bắt pen có thể hiểu nôm na là người ta ép động mạch cảnh hai bên cổ của mình tạo ra tình trạng thiếu máu não có cảm giác bị choáng, bị chóng mặt và trong một số trường hợp gây đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong. Và nếu chúng ta là người ép mạch cảnh của người khác khiến người đó tử vong thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Từ trào lưu nguy hiểm này, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Chí Cường khuyến cáo: “Những hành động có thể gây nguy hiểm đến sinh mạng gần như là điều chúng ta hoàn toàn không nên làm, không nên thực hành, không nên quan tâm. Và chúng ta đừng có khơi dậy theo góc nhìn về truyền thông sẽ làm cho mọi người thấy tò mò. Điều đó không hay cho cộng đồng và có thể dẫn đến tử vong đáng tiếc”.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh việc giới trẻ cần trang bị những kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, còn có trách nhiệm của các nhà quản lý, nền tảng mạng xã hội trong việc giám sát, ngăn chặn các thông tin xấu, độc. Bao trùm cả trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng khi đăng tải, chia sẻ, bình luận trên không gian mạng.

“Xã hội cũng cần có sự quan tâm và trách nhiệm nhất định, khi nhìn thấy những trào lưu như thế này chính người lớn cũng vào xem, cũng thấy thú vị, để lại những bình luận. Các cơ quan chức năng cũng như các nhà mạng lớn cần có nhiều bộ lọc hơn, thậm chí là bộ lọc tìm kiếm để không phát tán những nội dung độc hại”.

Để tiếp xúc với mạng xã hội an toàn, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, sự giáo dục, giám sát từ gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất.

“Quan trọng nhất là giáo dục gia đình, bản thân bố mẹ cũng cần nâng cao năng lực số của mình. Ở bên cạnh con, đồng hành cùng con trong giai đoạn mà trẻ đang rất muốn tìm kiếm sự chú ý thông qua những trò độc lạ. Nên chúng ta cũng cần nhận diện và có cách giáo dục ngay; thậm chí chúng ta phải quản lý và giúp trẻ không tiếp cận với những nội dung độc hại, nguy hiểm, không bắt chước những hành vi nguy cơ, không lan truyền những thông tin giả, tiêu cực”.

Trong bối cảnh các trào lưu xấu độc “gây bão” mạng xã hội, bà Phạm Hoàng Giang - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng thuộc Tổng hội Y học Việt Nam nhận định, ngoài công tác tuyên truyền, cảnh báo, nhà nước cần sớm có các chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý những hành vi gây nguy hại cho cộng đồng và rủi ro về an ninh trật tự xã hội.

“Đối với cơ quan chức năng, cần phải đẩy mạnh những biện pháp và chế tài xử lý nghiêm minh, trong đó thì cần phải xây dựng và áp dụng những quy định của pháp luật về kiểm duyệt nội dung mạng. Và xử lý những cá nhân hoặc là những tổ chức phát tán những nội dung độc hại này bao gồm cả những hình thức là phạt hành chính và cả hình sự nếu như mà cần thiết. Và cần phải xử lý nghiêm với người sáng tạo và lan truyền những nội dung nguy hại này”.

Cần cơ chế mạnh tay

Mới mẻ, thích thú, tò mò, phấn khích chỉ trong vài giây ngắn ngủi là cảm giác của nhiều người trẻ khi lướt xem hoặc bắt chước theo các trào lưu trên mạng xã hội. Từ những trò chơi vô thưởng vô phạt đến những hành động thách thức đầy mạo hiểm để chứng tỏ phong cách “cool ngầu”, mạnh mẽ, cá tính, độc lạ mà không ít bạn trẻ đã phải trả giá đắt.

Cũng phải thừa nhận rằng, khi các trò chơi dân gian bổ ích dần mai một trong thời buổi công nghệ số; khi không gian xóm làng bị thu hẹp bởi hàng rào bê tông, việc tiếp xúc internet hay “đu trend” để thảo mãn nhu cầu giải trí, hòa nhập, kết nối cộng đồng trong giới trẻ là điều khó tránh.

Tuy nhiên, không chỉ là nơi nảy sinh các trào lưu độc hại, mà mỗi video chỉ khoảng vài chục giây, nhờ khả năng truyền đạt thông tin nhanh, hình ảnh bắt mắt, nền nhạc hay, mạng xã hội trở thành công cụ phát tán nhanh chóng những trào lưu ảnh hưởng tiêu cực này. Và không phải ai cũng có đủ khả năng, tỉnh táo để chọn lọc, khi các hình ảnh, lời nói được lặp đi lặp lại trong đầu, người xem sẽ có xu hướng chấp nhận và bắt chước điều đó.

Dẫn tới những hệ lụy tâm lý lệch lạc, sa sút trong học tập, công việc, vi phạm văn hóa, đạo đức, pháp luật, thậm chí là tính mạng. Đến khi xảy ra những vụ việc đau lòng thì gia đình, xã hội mới thức tỉnh, “nháo nhào” nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, rồi cũng bị “nhấn chìm” trong “cơn sốt” trào lưu mới.

Nguyên nhân một phần từ trách nhiệm của cộng đồng mạng còn nhợt nhạt, thờ ơ với những câu chuyện xung quanh, cho là không liên quan. Hay tệ hơn là chính người lớn chưa thể làm gương cho giới trẻ, nhất là trẻ nhỏ nói riêng, khi bản thân còn sa đà vào lối “sống ảo” trên mạng. Điều này rất cần bị lên án và chấn chỉnh.

Trong “tảng băng” mảng xã hội, mỗi người cần tự nâng cao năng lực số để phân biệt giữa nội dung giải trí lành mạnh và những trào lưu tiềm ẩn nguy hiểm. Việc nhận thức đúng đắn sẽ bảo vệ bản thân, người thân, bạn bè và cộng đồng khỏi những rủi ro, nguy cơ khôn lường từ mạng xã hội.

Quan trọng nhất là sự thấu hiểu, đồng hành, giáo dục từ phụ huynh, gia đình, thầy cô và nhà trường – những người gần gũi thường xuyên để định hướng, ngăn chặn thanh thiếu niên trước những trào lưu “xấu, độc”. Tăng cường tổ nhiều hoạt động, cuộc thi, sân chơi, câu lạc bộ, tạo không gian lành mạnh và kết nối giao lưu cho giới trẻ nhằm hạn chế việc tiếp xúc thụ động mạng xã hội. Hay mới đây, việc cấm sử dụng điện thoại trong khuôn viên tại một số trường học ở TPHCM để trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, đọc sách là cần thiết và cần tiến tới mở rộng.

Phía các nhà mạng, nền tảng mạng xã hội cũng không nên nằm ngoài “cuộc đua” thanh lọc, ngăn chặn các nội dung xấu phát tán, bằng cách sử dụng công cụ quản lý trí tuệ nhân tạo đến những chính sách, điều khoản ràng buộc trong đăng tải, chia sẻ, bình luận, đối tượng tiếp xúc, hướng đến sáng tạo các nội dung tích cực. Nhất là khi những biện pháp xử lý, phạt tiền hiện nay chưa đủ sức răn đe, các nhà chức trách cần thiết lập công cụ pháp chế cứng rắn hơn về văn hóa, đạo đức, kỹ cương để làm “chìa khóa” quản lý hiệu quả “con dao hai lưỡi” từ mạng xã hội.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét sáp nhập đơn vị hành chính ở 12 tỉnh thành
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
  • Việt Nam - Peru ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương
    Trong chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 - 14/11/2024 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru, hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam - Peru.
  • Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
    VOVLIVE - UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
  • Việt Nam - Ấn Độ coi trọng việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
    VOVLIVE - "Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm chung về triết lý phát triển, tầm nhìn và định hướng chính sách cũng như chiến lược hành động để phát triển đất nước, nhất là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng để hai nước củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước".
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp