Cần chính sách thu hút học sinh theo các ngành về khoa học tự nhiên từ phổ thông

Nguyễn Trang/VOV.VN | 02/10/2024, 11:54

VOVLIVE - Việt Nam hiện nay vẫn thiếu hụt đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực này sẽ là nguy cơ lớn có thể làm tuột mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày, Việt Nam cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới và vật liệu tiên tiến, cũng như các lĩnh vực ứng dụng những công nghệ đó.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực này sẽ là nguy cơ lớn có thể làm Việt Nam tuột mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao, giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới 2045” nhằm chuẩn bị dồi dào nguồn nhân lực STEM, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển trong một số lĩnh vực công nghệ then chốt.

Ông Đặng Văn Huấn - Giám đốc Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) cho biết, mục tiêu của Đề án giai đoạn 2025 – 2030 là, tỉ lệ người theo học các ngành STEM đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 18% thuộc các ngành liên quan tới công nghệ số.

Về chỉ số chất lượng tuyển sinh đại học của phần lớn nhóm ngành STEM được cải thiện và cao hơn mức trung bình chung, ít nhất 40% học sinh từ các trường THPT chuyên học các ngành STEM.

Mục tiêu giai đoạn 2030 - 2035, tỉ lệ người học các ngành STEM đạt 40% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 3% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 20% các ngành liên quan công nghệ số.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của đề án đến năm 2030 khoảng 20.000 tỉ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 16.000 tỉ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỉ đồng.

Có 25 cơ sở giáo dục đại học công lập và 3 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập được ưu tiên đầu tư và triển khai chương trình đào tạo tài năng.

Nói về vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghệ cao, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, năm 2012, tỉ lệ khối ngành kĩ thuật công nghệ của trường chỉ chiếm 8% trong chỉ tiêu tuyển sinh. Đến năm 2023, tỉ lệ này đã tăng lên 31%. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Song, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định, đội ngũ cán bộ giảng dạy nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ cao còn hạn chế về số lượng và chất lượng; cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại không theo kịp những công nghệ tiên tiến trên thế giới; nhóm nghiên cứu mạnh về lĩnh vực công nghệ cao còn rất ít, kinh phí đầu tư còn khiêm tốn; tuyển dụng các nhà khoa học nước ngoài, chất lượng cao khó; chiến lược chưa có sự chuẩn bị nhân lực cho các ngành công nghệ mới…

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức để có nguồn nhân lực tốt thì cần có các chuyên gia giỏi để tiếp cận công nghệ của thế giới, cần xây dựng định hướng đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu công nghệ cao mũi nhọn; đào tạo hiệu quả ngoại ngữ trong trường đại học. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo công nghệ cao…

Còn theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần xác định rõ tiêu chí chất lượng cao gắn với thị trường lao động, phân tích kỹ lưỡng cơ cấu kinh tế, thị trường công nghệ đến năm 2035 và những năm tiếp theo để có cơ cấu chương trình đào tạo phù hợp, cùng với đó là các điều kiện thực hiện, đảm bảo chất lượng với chương trình chất lượng cao.

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, nhấn mạnh, cần có những chính sách, cơ chế để thu hút học sinh theo học các ngành khoa học tự nhiên ngay từ Trung học phổ thông để có thể gia tăng số lượng, chất lượng, tìm kiếm tài năng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bài liên quan
2 nhóm học sinh, sinh viên không phải đóng học phí
Để học phí không trở thành gánh nặng với học sinh, sinh viên và phụ huynh, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ miễn giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 9 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ
Thủ tướng chỉ đạo, việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, song không để chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp