Chính phủ các nước châu Á, từ Hàn Quốc đến Indonesia, đang gấp rút ký hợp đồng mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, với hy vọng giảm thặng dư thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới và được giảm nhẹ các mức thuế “đối ứng” mạnh tay của Tổng thống Donald Trump.
Ngày 8/4, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố sẽ “mua thêm” hàng hóa từ Mỹ, bao gồm cả LNG, trong khi Thái Lan cũng cho biết đang cân nhắc mua nhiều hơn. Tổng thống Trump từng nói ông đã thảo luận về việc mua “quy mô lớn” LNG của Mỹ với Thủ tướng lâm thời Hàn Quốc Han Duck-soo.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều cho biết họ đang xem xét đầu tư vào dự án xuất khẩu LNG trị giá 44 tỷ USD ở Alaska, vốn bị trì hoãn lâu nay và được ông Trump hậu thuẫn.

Một làn sóng áp thuế toàn cầu được ban hành tuần trước đã khiến các nền kinh tế châu Á lao đao vì phải chịu các mức thuế nặng nhất. Trong bối cảnh các chính phủ tìm cách giảm bớt tác động tiêu cực, LNG trở thành một lựa chọn hợp lý, vì đây là một trong số ít mặt hàng xuất khẩu của Mỹ mà các nước châu Á có thể dễ dàng cam kết tăng cường nhập khẩu.
Mỹ hiện là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới phục vụ cho các nhà máy điện và hệ thống sưởi, với kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu vào cuối thập kỷ này.
Trong khi đó, châu Á là nơi có các khách hàng lớn nhất, và nhu cầu tại các nước đang phát triển được dự báo sẽ tiếp tục tăng do nền kinh tế mở rộng, sản lượng nội địa trì trệ và nhiều quốc gia bắt đầu chuyển từ than sang các nguồn năng lượng sạch hơn.
LNG thường được mua thông qua các hợp đồng dài hạn kéo dài hàng thập kỷ và trị giá hàng tỷ USD — con số đủ lớn để thu hút sự chú ý của Nhà Trắng.

“Hiện đang có những cuộc thảo luận xoay quanh một thỏa thuận năng lượng lớn ở Alaska, trong đó người Nhật, có thể cả Hàn Quốc và Đài Loan, sẽ mua phần lớn sản lượng và tài trợ cho các giao dịch đó,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent chia sẻ trên kênh CNBC ngày 8/4. “Không chỉ tạo ra nhiều việc làm tại Mỹ, mà còn giúp thu hẹp thâm hụt thương mại".
Tại Ấn Độ, các nhà nhập khẩu LNG đang vận động chính phủ bãi bỏ mức thuế hải quan 2,5% đối với các lô hàng khí đốt từ Mỹ, theo những nguồn tin am hiểu vấn đề. Tuy nhiên, giá cả vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Công ty Gail India Ltd, hiện có hợp đồng dài hạn nhập 5,8 triệu tấn LNG mỗi năm từ Mỹ, đang phải bán lại phần lớn lượng khí này ra nước ngoài thông qua các thỏa thuận hoán đổi, vì chi phí mang về trong nước quá cao.
Ngoại lệ duy nhất trong làn sóng mua sắm này là Trung Quốc — nước nhập khẩu khí LNG lớn nhất thế giới. Bắc Kinh đã áp thuế trả đũa lên mặt hàng khí đốt Mỹ, và các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang bán lại các lô hàng LNG đã ký hợp đồng với Mỹ cho châu Âu và các quốc gia châu Á khác.