Huy động trên 6.000 tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình Quốc hội sáng 21/10, các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy; tổ chức tốt các ngày lễ lớn. An sinh xã hội được bảo đảm.
Thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tín dụng chính sách xã hội được đẩy mạnh.
Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.
Theo Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6.000 tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2.150 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách nhất, tinh thần đại đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” càng tỏa sáng mạnh mẽ.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động với lời kêu gọi "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít".
Có 4 nhóm địa phương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.
Cụ thể, nhóm 1 gồm 16 địa phương tự cân đối ngân sách nhà nước, có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, nguồn thu ngân sách lớn trên 16.000 tỷ đồng/địa phương;
Nhóm 2 gồm 16 địa phương điều kiện kinh tế-xã hội phát triển ở mức khá, nguồn thu ngân sách từ 7.500 đến 16.000 tỷ đồng/địa phương;
Nhóm 3 có 9 địa phương điều kiện kinh tế-xã hội phát triển ở mức trung bình, thu ngân sách dưới 7.500 tỷ đồng/địa phương, tự cân đối ngân sách nhưng có nhiều huyện nghèo, có xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo...;
Nhóm 4 có 22 địa phương điều kiện kinh tế-xã hội phát triển ở mức thấp (ngân sách trung ương phải hỗ trợ trên 1 lần so với tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn), có huyện nghèo, có xã đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ nghèo đa chiều cao, nhu cầu kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên 300 tỷ đồng...
Cũng theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, lao động, việc làm chuyển biến tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm; thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 7,6 triệu đồng, tăng 7,4%.
Chính phủ cũng ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 44/132, tăng 4 bậc so với năm 2022.