Bộ Tư pháp "tuýt còi" công văn yêu cầu các trung tâm dạy lái ô tô phải đổi tên

Theo Hoàng An/Tiền Phong | 23/02/2023, 12:41

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho rằng, việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, có công văn yêu cầu các trung tâm dạy nghề, trung tâm đào tạo lái xe ô tô... phải đổi tên là trái quy định pháp luật.

Ngày 22/2, được biết, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp vừa ký kết luận kiểm tra Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, tại mục 3 Công văn nói trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu các cơ sở có tên gọi là "trung tâm dạy nghề, trung tâm đào tạo lái xe ô tô...", phải được rà soát, thực hiện đổi tên, bảo đảm tên gọi phải có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Tổng cục lý giải, thay đổi này dựa vào quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và quy định về giáo dục nghề nghiệp.

Trước yêu cầu đổi tên này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và nhiều doanh nghiệp cho biết, đã kiến nghị đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, song không nhận được hồi âm.

Khi nhận được phản ánh, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã xác minh và nhận thấy "không có quy định" về việc các cơ sở dạy nghề thành lập theo Luật Dạy nghề năm 2006 (luật cũ) phải đổi tên nhằm bảo đảm trong tên gọi có cụm từ "giáo dục nghề nghiệp".

Theo Cục kiểm tra văn bản, ngày 25/12/2015, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ban hành Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực kể từ ngày 10/2/2016) mới quy định về việc trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải có tên gọi bao gồm cấu phần “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”. Do đó, trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, chưa có quy định pháp luật bắt buộc về tên gọi đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, cũng không có cơ sở pháp lý để yêu cầu những trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập trước ngày 10/2/2016 phải đổi tên để bảo đảm tên gọi có cụm từ “giáo dục nghề nghiệp”.

Từ những phân tích trên, Cục kiểm tra văn bản kết luận, Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT là văn bản hành chính, nhưng có chứa đựng nội dung mang tính quy phạm pháp luật là trái pháp luật, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015.

Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, việc buộc các trung tâm dạy nghề phải thực hiện các thủ tục, nộp hồ sơ, tài liệu để đổi tên có thể dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã, đang tham gia đào tạo.

Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khẩn trương xử lý các nội dung không phù hợp trong Công văn 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thông báo kết quả xử lý cho Cục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận này./.

Bài liên quan
Tài xế lái xe không quá 48 giờ/tuần: Hiệp hội Vận tải Ô tô kiến nghị nâng 60 giờ
VOVLIVE - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Trao đổi Điện mừng 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc
VOVLIVE - Các lãnh đạo Việt Nam đã trao đổi thư mừng/điện mừng với lãnh đạo Trung Quốc nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025).
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp