Bảo hiểm y tế - "phao cứu sinh" của người mắc bệnh hiểm nghèo

Kim Dung/VOV-TPHCM | 30/10/2024, 11:03

VOVLIVE - Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị với thời gian rất dài, chi phí có khi lên tới hàng tỉ đồng. Tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được xem như "phao cứu sinh" cho họ. Đây chính giải pháp hỗ trợ đắc lực trong bài toán viện phí với nhiều người bệnh, đặc biệt là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ yên tâm hơn trong quá trình điều trị.

Khốn khó vì chữa bệnh triền miên

Anh Nguyễn Cao Trí, 32 tuổi, quê ở Vĩnh Long, đã trải qua 14 năm chạy thận nhân tạo.

Gia đình anh làm nông, thu nhập bấp bênh, không đủ để chi trả cho chi phí điều trị bệnh. Anh Trí không chỉ đối mặt với chi phí điều trị mà còn gánh áp lực về tâm lý. Bố mất, anh đau ốm triền miên, mẹ anh hơn 70 tuổi phải làm trụ cột gia đình, chăm sóc cho con trai.

Hàng tháng, anh Trí còn phải gánh thêm chi phí đi lại, ăn uống và thuốc men. Anh nhớ lại thời điểm cách đây khoảng 7 năm, khi bệnh trở nặng, chi phí lúc đó lên tới khoảng 600 triệu đồng.

Điều trị kéo dài với hàng loạt thuốc biệt dược đắt tiền buộc anh Trí phải bán cả vườn tược ở quê để chữa bệnh. Nếu không có BHYT, việc duy trì sự sống của anh Trí vô cùng khó khăn.

“Nghe người nhà nói là tôi bị suy tim, nhiễm trùng máu, phải mở khí quản cổ để thở máy. Trên người tôi khi nào cũng có 4-5 loại thuốc biệt dược. Việc điều trị không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Nếu không có thẻ BHYT tôi không biết có sống đến tận bây giờ không”, anh Trí nói.

Cùng cảnh ngộ như anh Trí, 18 năm qua, anh Trương Trung Hưng, 45 tuổi, phải dậy sớm lúc 3h sáng, đón xe từ Long An lên Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp lọc máu.

Để có tiền điều trị bệnh nhiều năm nay, anh cũng phải bán đất đai ở quê, chỉ còn lại căn nhà nhỏ để ở.

Đi lại nhiều, sức khỏe anh Hưng không đủ để làm việc nặng, chỉ phụ giúp vợ những việc nhẹ như nấu cơm, dọn dẹp.

Người vợ anh với đồng lương công nhân chưa đến 10 triệu đồng/tháng, trong khi phải lo cho mẹ già đau ốm mắc bệnh, nuôi con nhỏ đang đi học và nuôi chồng đi chạy thận mỗi tuần.

Nhờ thuộc diện hộ nghèo, anh Hưng được hỗ trợ 100% chi phí BHYT: “Nếu không có thẻ BHYT, có lẽ tôi không sống nổi 5 năm. Bán hết đất đai thì số tiền đó cũng chỉ đủ duy trì được khoảng 5 năm, rồi sẽ không còn khả năng chi trả cho việc điều trị và đành bỏ cuộc. Tôi nhận thấy tầm quan trọng của thẻ bảo hiểm y tế. Nó thật sự giúp những người nghèo như chúng tôi có cơ hội duy trì cuộc sống”.

Tại khoa Thận nhân tạo- Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày có khoảng 240 - 250 ca chạy thận nhân tạo.

TS.BS.CK2 Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, đa số bệnh nhân đều có BHYT, giúp họ giảm gánh nặng chi phí điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn một số bệnh nhân không có BHYT. Các bác sĩ tìm cách khuyên bệnh nhân về địa phương để làm thủ tục mua bảo hiểm, vì chi phí chạy thận rất cao.

Lợi ích lớn từ tấm thẻ nhỏ

Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh rằng việc điều trị cho những bệnh nhân suy thận nặng, có bệnh lý kèm theo cần rất nhiều loại thuốc.

“Chi phí trung bình cho mỗi lần chạy thận là 556.000 đồng. Với những bệnh nhân có nhiều bệnh lý và cần dùng nhiều loại thuốc, chi phí điều trị sẽ tăng cao. Nếu không có thẻ BHYT, số tiền cần để điều trị đúng cách có thể lên tới 12-15 triệu đồng, thậm chí còn hơn. Khi bệnh nhân thiếu máu nghiêm trọng, cần dùng thêm thuốc tạo máu và truyền máu, chi phí cũng sẽ tăng lên”, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Chợ Rẫy là tuyến cuối hạng đặc biệt, tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ các tỉnh, trong đó có nhiều trường hợp bệnh rất nặng được chuyển tuyến.

Hơn 15 năm hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, ông Hiển nhận định, nhờ có BHYT, người bệnh mới có điều kiện đi khám chữa bệnh sớm. Nếu không có, người dân sẽ ngại đến bệnh viện, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi địa phương cấp thẻ BHYT sớm cho những gia đình thuộc diện hộ nghèo, phối hợp xác nhận quy trình bảo hiểm.

Ông Lê Minh Hiển nói: “Đối với những trường hợp quá khó khăn, chúng tôi hướng dẫn gia đình mua thẻ BHYT. Sau đó, họ sẽ chuyển cho chúng tôi phiếu thu, và chúng tôi sẽ kiến nghị với các nhà hảo tâm để hoàn trả số tiền đó. Mục tiêu là giúp người bệnh có được thẻ BHYT, từ đó thuận lợi hơn trong việc khám chữa bệnh. Trong năm 2023, chúng tôi đã kiến nghị tặng 52 thẻ BHYT, và trong năm 2024, chúng tôi tặng thêm 32 thẻ”.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2023 đến hết tháng 4/2024, có 10 bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả chi phí lớn, từ hơn 2,5 tỷ đồng đến 4,4 tỷ đồng. Đây là các trường hợp bệnh nặng, bệnh hiếm gặp, điều trị kéo dài…

Đáng lưu ý, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHYT, ngày 18/10 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22, quy định các trường hợp có thẻ BHYT được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế khi bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị thuộc danh mục BHYT.

Người bệnh có thẻ BHYT cũng được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế khi không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác do tình trạng sức khoẻ, bệnh lý không đủ điều kiện chuyển; cơ sở khám chữa bệnh nơi người bệnh điều trị đang trong thời gian cách ly y tế hoặc cơ sở đó là cơ sở khám chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Ngoài ra, người bệnh có thẻ BHYT cũng được thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp khi không thể điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định; các loại thuốc, thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định sử dụng phải phù hợp với phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.

Bài liên quan
Cảnh báo chiêu trò mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội và yêu cầu cập nhật thẻ BHYT
VOVLIVE - Cơ quan Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, thời gian gần đây đang có tình trạng nhiều đối tượng lạ mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội yêu cầu cập nhật thẻ BHYT, cùng với đó là đòi hỏi cung cấp những thông tin cá nhân liên quan. Người dân cần đề cao cảnh giác tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét sáp nhập đơn vị hành chính ở 12 tỉnh thành
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
  • Việt Nam - Peru ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương
    Trong chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12 - 14/11/2024 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru, hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam - Peru.
  • Hà Nội dự kiến chi 10.000 tỉ đồng/năm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức
    VOVLIVE - UBND thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
  • Việt Nam - Ấn Độ coi trọng việc củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương
    VOVLIVE - "Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm chung về triết lý phát triển, tầm nhìn và định hướng chính sách cũng như chiến lược hành động để phát triển đất nước, nhất là cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng để hai nước củng cố và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước".
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp