Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuyển đổi số từ cộng đồng dân cư

Lưu Sơn/VOV-TP.HCM | 08/12/2024, 08:37

Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung thực hiện chuyển đổi số. Trong hàng loạt giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, các địa phương của tỉnh chú trọng giải pháp thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Các Tổ công nghệ số cộng đồng trở thành cánh tay nối dài của chính quyền, ngành chức năng trong thực hiện chuyển đổi số.

Người dân hưởng lợi

Bà Lê Bích Hạnh, tổ dân cư số 14, ấp Phước Thới, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ ngày có Tổ công nghệ số cộng đồng, người dân rất thuận lợi trong các giao dịch hành chính công.

Theo bà Hạnh, giờ muốn làm các thủ tục về định danh, tư pháp, nộp phí, đóng học phí… người dân chỉ cần ngồi nhà, thao tác trên điện thoại thông minh là mọi việc điều được giải quyết.

Đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, bận việc đồng áng thì chủ nhật hàng tuần Tổ công nghệ số đến tận nhà hướng dẫn bà con từng thao tác trên ứng dụng VneID.

Từ đó, việc đăng ký chữ ký số, đăng ký khám bệnh cũng thực hiện trên ứng dụng này, người dân không cần phải đến UBND xã làm trực tiếp.

"Ứng dụng này (VneID) rất tiện lợi, Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn cài đặt xong thì người dân chỉ cần điền số định danh vào là có thông tin trong đó hết, tiện lợi hơn khi làm trực tiếp. Một số dịch vụ công như khám bệnh, thanh toán tiền wifi, tiền điện, nước hay chữ kỹ số rồi thì không cần đi nữa, chỉ cần ngồi nhà áp dụng nên rất thuận lợi", bà Hạnh chia sẻ.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, thôn Quảng Thành 2, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức chia sẻ, những người lớn tuổi tiếp cận công nghệ còn hạn chế, không có thời gian đến trụ sở thôn, ấp thì hàng đêm Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận nhà, hướng dẫn cài đặt trên điện thoại.

Đến nay, ngoài việc áp dụng thành thạo các thủ tục hành chính công, người dân còn được hướng dẫn sử dụng các tiện ích thông minh như: mua bán trên sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phản ánh hiện trường… từng bước tiếp cận quá trình chuyển đổi số, hình thành công dân số.

"Thôn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, hàng tuần đến nhà dân hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính công, thấy rõ lợi ích nên người dân tham gia rất đông. Cụ thể là hướng dẫn cài đặt VneID mức độ 2, vận động nhân dân không sử dụng tiền mặt qua các giao dịch thương mại điện tử", ông Sơn cho biết.

Vì dân phục vụ 

Theo Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay, gần 3.000 thành viên của 503 Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn đã được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức công nghệ thông tin, an toàn thông tin.

Qua công tác bồi dưỡng, kỹ năng, thao tác của các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được cải thiện, tỷ lệ người dân giao dịch hành chính công và các dịch vụ trên không gian số cũng nâng cao.

Cụ thể, tại huyện Đất Đỏ, đến nay có 89% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử, gần 24% dân số trưởng thành có chữ ký số, chữ ký điện tử cá nhân, 81% dân số có tài khoản dịch vụ công trực tuyến, 100% dịch vụ mua sắm, ăn uống, lưu trú… trên địa bàn áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 

Ông Vũ Đình Tú, Tổ phó Tổ công nghệ số cộng đồng khu phố Phước Thới, thị trấn Đất Đỏ cho biết, tổ công nghệ số gồm các thành viên là Đoàn thanh niên, khu phố trưởng, bảo vệ khu phố… cứ mỗi sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần là đi từng ngõ – gõ từng nhà vận động người dân về chuyển đổi số, hướng đến chính quyền số, kinh tế số.

"Khu phố tiến hành vận động đoàn viên thanh niên về tại khu phố thành lập tổ để hỗ trợ bà con chuyển đổi số. Chủ nhật hàng tuần, tổ công nghệ số đến hướng dẫn người dân đăng ký chữ ký số hay đăng ký tạm trú người dân chỉ ngồi nhà làm trên máy, không phải đến công an trình báo, rất tiện lợi", ông Vũ Đình Tú cho hay.

Theo bà Hồ Thị Mỹ Hoà, Chủ tịch UBND xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhờ Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn cho bà con về chuyển đổi số, cải cách hành chính ở các thôn, ấp … công việc của lực lượng xã cũng bớt áp lực. Từ đó cán bộ, công chức xã có nhiều thời gian giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của địa phương.

Sắp tới, UBND xã sẽ tạo điều kiện cho thành viên các Tổ công nghệ số được tập huấn chuyển đổi số do huyện, tỉnh tổ chức. Trang bị các thiết bị như máy tính, wifi… tại các thôn, ấp để tiếp tục củng cố và nhân rộng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn.

"Xã sẽ tuyên truyền thêm cho người dân để họ thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến tại thôn, ấp, tránh trường hợp người dân đến UBND xã nhiều lần, gây phiền hà cho dân. Trên cơ sở đó xã nhân rộng mô hình rộng khắp ở các thôn, ấp khác làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân nộp hồ sơ trực tuyến từ xa", bà Hoà cho biết thêm.

Thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ ưu tiên đưa vào vận hành App Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là khâu đột phá chuyển đổi số của tỉnh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính và hướng đến chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Bài liên quan
Cần sự đồng bộ về chuyển đổi số và quảng bá du lịch trên mạng xã hội
Ngày nay với du khách trên toàn cầu, mạng xã hội là nguồn cảm hứng khởi đầu cho các kế hoạch du lịch. Vì vậy các mạng xã hội và nền tảng du lịch trực tuyến tại Việt Nam cần có sự đồng bộ, thống nhất để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giải Diên Hồng lần thứ Ba: 8 Giải A, 15 Giải B và 20 Giải C
VOVLIVE - Sáng 24/12, tại Nhà Quốc hội, Ban tổ chức Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ Ba - năm 2025 đã tổ chức phiên họp Hội đồng chấm chung khảo. Hội đồng đã lựa chọn được 8 Giải A, 15 Giải B,  20 Giải C, 40 Giải Khuyến khích.
Mới nhất
- xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xôi lạc tv - xoilactv - bóng đá trực tiếp