Vai trò của Vitamin D với cơ thể
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc cho biết, vitamin D là dưỡng chất tan được trong chất béo, nguồn cung cấp chủ yếu đến từ bên ngoài và có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể.
Vitamin D có hai dạng chính:
- Một là Vitamin D2 hay còn có tên ergocalciferol.
- Hai là Vitamin D3 hay cholecalciferol.
Cả hai loại dưỡng chất đều có thể bổ sung qua các thực phẩm thường ngày. Riêng đối với Vitamin D3, cơ thể còn có khả năng tổng hợp thành phần này từ ánh nắng mặt trời khi tiếp xúc với da.
Thành phần dinh dưỡng này còn giữ nhiều nhiệm vụ trong cơ chế sinh lý của cơ thể như:
Hấp thu canxi: Vitamin D giúp cơ thể hấp thu và chuyển hóa canxi qua ruột, phân phối những dưỡng chất cần thiết đi khắp cơ thể. Đồng thời giữ vai trò tái hấp thu canxi. Ngoài ra, Vitamin D còn giúp điều hòa, ổn định lượng canxi trong máu.
Bảo vệ cấu trúc xương răng: Canxi đóng vai trò chính đối với cấu trúc xương, răng, vì vậy Vitamin D là dưỡng chất rất cần thiết để đảm bảo lượng cung cấp canxi để cơ thể phát triển ổn định.
Đối với các hormone: Ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và hoạt động của insulin và hormone tuyến giáp.
Góp phần bảo vệ cơ thể: Giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn, chống lại các tác nhân như các loại virus, vi khuẩn, ngăn ngừa một số loại bệnh cảm cúm.
Dấu hiệu thiếu vitamin D ở người lớn
Báo Thanh Niên dẫn nguồn chuyên trang sức khoẻ Healthline (Mỹ) cho biết, những người có nguy cơ cao bị thiếu vitamin D là người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn người làm việc trong nhà cả ngày, sống ở vùng có ít ánh nắng hoặc thường xuyên che chắn quá mức khi ra ngoài. Ngoài ra, người có da sẫm màu, béo phì, mắc bệnh gan, thận cũng dễ bị thiếu vitamin D.

Dưới đây là những dáu hiệu thiếu vitamin D ở người lớn:
Mệt mỏi kéo dài
Cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc là điều bình thường, nhưng nếu luôn cảm thấy mệt mỏi, thậm chí kiệt sức dù đã nghỉ ngơi đầy đủ thì đó có thể là dấu hiệu của thiếu vitamin D.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mức năng lượng của cơ thể. Khi thiếu vitamin D, cơ thể khó chuyển hóa năng lượng, dẫn đến cảm giác mệt mỏi kéo dài, suy nhược và giảm khả năng tập trung.
Đau nhức cơ, xương
Đau nhức cơ và xương là triệu chứng phổ biến của thiếu vitamin D. Triệu chứng này thường bị nhầm lẫn là do căng cơ hoặc vấn đề về tuổi tác. Đặc điểm phân biệt là tình trạng đau nhức do thiếu vitamin D sẽ kéo dài và không rõ nguyên nhân.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, nhờ đó xương và cơ bắp khỏe mạnh. Khi thiếu loại vitamin này, xương sẽ trở nên giòn hơn, dễ đau nhức và thậm chí làm tăng nguy cơ loãng xương.
Hay bệnh vặt, miễn dịch suy yếu
Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc kích hoạt hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại vi khuẩn và virus. Nếu một người thường xuyên bị cảm cúm, ho kéo dài hoặc viêm nhiễm thì rất có thể hệ miễn dịch của họ đang suy yếu do thiếu vitamin D.
Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung đủ vitamin D có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp và nhiễm trùng.
Rụng tóc nhiều hơn bình thường
Rụng tóc là vấn đề mà nhiều người gặp phải. Nguyên nhân có thể do căng thẳng, thay đổi nội tiết, sử dụng hóa chất hay thiếu vitamin D. Vitamin D giúp kích thích nang tóc phát triển và duy trì độ chắc khỏe của tóc. Khi cơ thể không đủ vitamin D, tóc có trở nên yếu, dễ gãy rụng và thưa dần theo thời gian.
Để bổ sung vitamin D, mọi người có thể phơi nắng từ 10 đến 15 phút vào buổi sáng, trước 10 giờ để tránh tác hại từ tia cực tím. Ngoài ra, dùng thực phẩm bổ sung, ăn các món giàu vitamin D như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, dầu gan cá, nấm, lòng đỏ trứng cũng là cách bổ sung hiệu quả loại vitamin này.
Loãng xương
Như đã đề cập, vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi và chuyển hóa xương. Do đó, bổ sung vitamin D và canxi cùng lúc sẽ giúp cơ thể hấp thụ tối đa.
Mật độ khoáng xương thấp là dấu hiệu cho thấy xương đã mất canxi và các khoáng chất khác. Điều này khiến người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ có nguy cơ gãy xương cao hơn. Nghiên cứu thực hiện ở hơn 1.100 phụ nữ trung niên độ tuổi mãn kinh hoặc sau mãn kinh đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mức vitamin D thấp và mật độ khoáng trong xương thấp.
Các nhà nghiên cứu cho biết bổ sung vitamin D liều cao không thể cải thiện mật độ xương ở những phụ nữ thiếu vitamin D nhưng có thể là một chiến lược tốt để bảo vệ khối lượng xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Đau cơ
Nguyên nhân gây đau cơ thường khó xác định, tuy nhiên thiếu vitamin D là một nguyên nhân tiềm ẩn.
Cơ quan thụ cảm vitamin D có trong các tế bào thần kinh được gọi là các thụ thể cảm nhận cảm giác đau. Thiếu hụt vitamin này cũng có thể liên quan đến việc truyền tín hiệu đau của cơ thể, góp phần gây ra những cơn đau mạn tính. Một số nghiên cứu cũng lưu ý, bổ sung vitamin D liều cao có thể làm giảm các loại đau khác nhau ở những người bị thiếu vitamin này.
Lo lắng, trầm cảm
Báo VnExpress dẫn nguồn trang Healthline cho biết, một đánh giá cho thấy hàm lượng calcidiol (một dạng vitamin D) thấp hơn ở những người mắc chứng lo âu hoặc bị trầm cảm.
Nghiên cứu riêng biệt ở phụ nữ mang thai cho thấy dung nạp đủ lượng vitamin D có thể giúp giảm các triệu chứng lo lắng, cải thiện chất lượng giấc ngủ và thậm chí ngăn ngừa chứng trầm cảm sau sinh. Một số bài đánh giá đã phát hiện ra bổ sung vitamin D còn giúp giảm các triệu chứng trầm cảm.
Vết thương chậm lành
Vết thương chậm lành sau phẫu thuật hoặc chấn thương có thể là dấu hiệu cho thấy mức vitamin D trong cơ thể quá thấp. Thực tế, kết quả từ một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy, vitamin D làm tăng quá trình sản xuất các hợp chất quan trọng để hình thành lớp biểu bì mới, tương tự như một phần của quá trình chữa lành vết thương.
Thiếu vitamin D thường được điều trị bằng các sản phẩm bổ trợ, nguồn thực phẩm và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời một cách có ý thức. Các thực phẩm giàu vitamin bao gồm: cá béo, lòng đỏ trứng, ngũ cốc, sữa chua... Bổ sung đường uống là phương pháp phổ biến điều trị thiếu vitamin D nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ để biết các khuyến nghị về liều lượng.
Trên đây là 8 dấu hiệu thiếu vitamin D ở người lớn. Nếu cơ thể bạn có những dấu hiệu bất thường này hãy đến bệnh viện để làm các xét nghiệm cần thiết và bổ sung vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.