Chồng bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án nhẹ nhất
Theo HĐXX, 33 bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thực hiện các hành vi phạm tội. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động quản lý nhà nước, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, thị trường, môi trường đầu tư kinh tế, tài chính.
Cùng bị truy tố về 3 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” với bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo Trương Khánh Hoàng (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty Acumen) bị HĐXX tuyên mức án lần lượt 23 năm tù, 16 năm tù và 15 năm tù.
Phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) bị tuyên phạt 17 năm tù.
Cùng 2 tội danh trên bị cáo Nguyễn Hữu Hiệu (Phó Tổng Giám đốc Công ty Windsor và Công ty An Đông) bị tuyên phạt 12 năm tù; Nguyễn Vũ Anh Thi (Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt Nam) 9 năm tù; Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) 10 năm tù.
HĐXX xử phạt bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) 14 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.
Toà cũng tuyên án đối với bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) 2 năm tù về tội “Rửa tiền”; bị cáo bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bà Lan) bị tuyên 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cùng tội danh với Trương Huệ Vân, bị cáo Phạm Hoa Đăng (nguyên kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C) bị tuyên 2 năm tù - mức án nhẹ nhất trong nhóm bị cáo phạm tội này.
Các bị cáo còn lại bị phạt mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 10 năm tù về một trong các tội danh trên.
Bà Trương Mỹ Lan chịu trách nhiệm toàn bộ thiệt hại
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định, bị cáo Trương Mỹ Lan dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.824 bị hại. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, bị cáo Lan sử dụng vào mục đích cá nhân. Do đó, tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án.
Về xử lý vật chứng, tài sản thu giữ trong vụ án, HĐXX tuyên tiếp tục tạm giữ các khoản tiền tự nguyện khắc phục hậu quả của các bị cáo, các cá nhân, tổ chức liên quan để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường.
Tiếp tục duy trì lệnh kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch các bất động sản, tài khoản, cổ phần, cổ phiếu của bị cáo Trương Mỹ Lan và của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như: 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam; 77,89% cổ phần CTCP dược phẩm Đông Dược 5; 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; 13,23% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Sao Thủy.
HĐXX cũng xem xét và hủy bỏ lệnh kê biên đối với tòa nhà Capital Place (số 29 Liễu Giai, Hà Nội), giao 3 ngân hàng xử lý thu hồi nợ theo quy định dưới sự giám sát của Viện Kiểm nhân dân Tối cao, Bộ Công an và cơ quan thi hành án.
Hàng chục bất động sản khác tại Đồng Nai, TP.HCM do chưa đủ cơ sở xác định tài sản trên là của bị cáo Trương Mỹ Lan nên toà đề nghị cơ quan tố tụng tiếp tục điều tra làm rõ.
HĐXX cũng cho biết thêm, vụ án có 35.824 bị hại cư trú tại 58 tỉnh, thành trên cả nước. Quá trình giải quyết vụ án, toà đã nhận được 5.965 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, có hơn 1.000 đơn yêu cầu bồi thường thuộc các mã trái phiếu nằm ngoài vụ án nên không được xem xét trong vụ án này.