Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT) với 4 Dự án thành phần.
Trong đó dự án thành phần 3: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đoạn qua TP.HCM có chiều dài khoảng 25km đi qua địa bàn 11 xã gồm: Phước Thạnh, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Phước Hiệp, Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Tân Phú Trung với diện tích ảnh hưởng khoảng 182 ha.
Tổng số trường hợp bị ảnh hưởng trong khu vực dự kiến thu hồi hơn 1.800 trường hợp, nhiều nhất là xã Tân Thạnh Tây với 373 trường hợp, tiếp theo là Trung Lập Hạ với 343 trường hợp, Tân Thạnh Đông với 328 trường hợp, Nhuận Đức 281…
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã thu thập được thông tin và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản photocopy) hơn 1.790 trường hợp, tỷ lệ 99%.
UBND huyện Củ Chi dự toán kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định Dự án thành phần 3 với tổng số tiền là 7.100 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng các nhân, tổ chức là hơn 6.300 tỷ đồng.
Qua rà soát, dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án thành phần 3 tăng hơn 1.800 tỷ đồng so với khái toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với với tổng chiều dài khoảng 51 km. Trong đó điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi (TP.HCM), điểm cuối giao với Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường theo Tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120km/h; Quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe (giai đoạn 1). Xây dựng các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí... đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Dự án dự kiến khởi công năm 2024 và phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2027. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ là tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt. Khi Cao tốc này đưa vào sử dụng sẽ giảm hao phí về thời gian và vật chất, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh cho kinh tế Việt Nam.